Chế độ thời gian làm việc và nghỉ ngơi đối với nhân viên bức xạ

Theo Thông tư số 31/2007/TT-BKHCN ngày 31/12/2007 hướng dẫn thực hiện chế độ thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi đối với nhân viên bức xạ; thời gian làm việc hàng ngày được rút ngắn từ 1 đến 2 giờ đối với nhân viên bức xạ làm nghề, công việc quy định tại Phụ lục ban hành kèm Thông tư. Nhân viên bức xạ không được phép làm thêm giờ. Trường hợp đặc biệt, đơn vị sử dụng lao động được phép huy động nhân viên làm thêm giờ, nhưng không quá 3 giờ/ngày. Số ngày nghỉ của nhân viên bức xạ trong năm là từ 14 đến 16 ngày. Thời gian nghỉ ngơi của nhân viên bức xạ ít nhất từ 30 phút (nếu làm việc vào ban ngày) đến 45 phút (nếu làm việc vào ban đêm).

Cùng tìm hiểu nội dung thông tư

  1. QUY ĐỊNH CHUNG
  2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Thông tư này quy định chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động làm các công việc bức xạ, hạt nhân (sau đây gọi chung là nhân viên bức xạ) trong các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức (sau đây gọi chung là các đơn vị) quy định tại Điều 1 Nghị định số 109/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2002.

  1. Nguyên tắc áp dụng
  2. Thông tư này chỉ quy định chế độ về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi đối với nhân viên bức xạ làm nghề, công việc được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
  3. Trong khi áp dụng các quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi đối với nhân viên bức xạ theo quy định của Thông tư này, các đơn vị sử dụng người lao động và bản thân người lao động trong mọi trường hợp vẫn phải đảm bảo nguyên tắc về mức giới hạn liều đối với nhân viên bức xạ và các quy định pháp luật khác về kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân.
  4. Nhân viên bức xạ nếu làm việc trực tiếp với thiết bị bức xạ hoặc nguồn phóng xạ được rút ngắn thời giờ làm việc.
  5. Việc quy định mức thời giờ làm việc được rút ngắn tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng bởi bức xạ ion hoá gây ra đối với người lao động làm công việc bức xạ, hạt nhân.
  6. Thời gian làm việc và nghỉ ngơi
  7. Thời gian làm việc
  8. Thời gian làm việc hàng ngày được rút ngắn 02 giờ đối với nhân viên bức xạ làm nghề, công việc quy định tại Nhóm 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Nghề, công việc quy định tại Nhóm 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này là những nghề, công việc có mức độ ảnh hưởng bởi bức xạ ion hóa cao do làm việc trực tiếp với nguồn phóng xạ hở, nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ có cường độ lớn.

  1. Thời gian làm việc hàng ngày được rút ngắn 01 giờ đối với nhân viên bức xạ làm nghề, công việc bức xạ, hạt nhân khác quy định tại Nhóm 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
  2. Nhân viên bức xạ không được phép làm thêm giờ. Trường hợp đặc biệt (như khắc phục sự cố, tai nạn nghiêm trọng), đơn vị sử dụng lao động được phép huy động nhân viên bức xạ làm thêm giờ, nhưng không quá 3 giờ trong một ngày.
  3. Thời gian nghỉ ngơi
  4. Nhân viên bức xạ ngoài thời gian làm việc được rút ngắn theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Mục II của Thông tư này thì còn được nghỉ ít nhất 30 phút nếu làm việc vào ban ngày và 45 phút nếu làm việc vào ban đêm, tính vào giờ làm việc.
  5. Trong trường hợp nhân viên bức xạ được yêu cầu làm thêm từ 02 giờ trở lên trong ngày, trước khi làm thêm phải được bố trí nghỉ ít nhất 30 phút tính vào thời giờ làm thêm.
  6. Số ngày nghỉ hàng năm của nhân viên bức xạ được tính như sau:

– Nhân viên bức xạ làm nghề, công việc bức xạ, hạt nhân thuộc Nhóm 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được nghỉ hàng năm là 16 ngày làm việc.

– Nhân viên bức xạ làm nghề, công việc bức xạ, hạt nhân thuộc Nhóm 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được nghỉ hàng năm là 14 ngày làm việc.

PHỤ LỤC

NGHỀ, CÔNG VIỆC BỨC XẠ, HẠT NHÂN

TT Nghề, công việc bức xạ, hạt nhân
I Nhóm 1
1 Làm việc trong lò phản ứng hạt nhân.
2 Sản xuất đồng vị phóng xạ.
3 Vận hành thiết bị chiếu xạ công nghiệp (khử trùng, bảo quản thực phẩm, biến tính vật liệu …).
4 Vận hành thiết bị chiếu xạ có thiết kế tự che chắn, thiết bị chiếu xạ mô/máu.
5 Vận hành thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp.
6 Sử dụng các thiết bị đo mật độ/ độ ẩm dùng nguồn phóng xạ ngoài hiện trường.
7 Làm việc với các nguồn phóng xạ hở trong y học hạt nhân và trong ứng dụng đồng vị phóng xạ khác.
8 Khai thác, chế biến, xử lý quặng phóng xạ.
II Nhóm 2
1 Vận hành các thiết bị đo bức xạ trong y học hạt nhân.
2 Vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị đo hạt nhân trong công nghiệp: thiết bị đo mức, thiết bị đo chiều dày, thiết bị đo độ tro than, thiết bị đo mật độ, thiết bị soi bo mạch, thiết bị khử tĩnh điện.
3 Sử dụng các nguồn phóng xạ chuẩn, mẫu chuẩn phóng xạ cho thiết bị đo bức xạ.
4 Sử dụng các thiết bị phân tích huỳnh quang tia X, bắt điện tử, phổ kế Mossbauer.
5 Vận chuyển nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ.
6 Vận hành máy soi chiếu hành lý, kiểm tra an ninh.

Bài viết liên quan

error: Content is protected !!