NGUY CƠ TIỀM TÀNG KHI CHIẾU CHỤP X QUANG Y TẾ

Hiện nay bức xạ đã được sử dụng rất phổ biến trong chẩn đoán và điều trị bệnh ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo khảo sát, trên thế giới trung bình một năm có 4 tỷ ca chụp X quang chẩn đoán, 33 triệu ca chẩn đoán và điều trị y học hạt nhân và 5,5 triệu ca xạ trị. Trung bình khoảng 10 triệu người/ngày phải làm các chẩn đoán và điều trị sử dụng bức xạ. Liều bức xạ do X quang chẩn đoán chiếm 90% tổng liều bức xạ gây bởi các nguồn nhân tạo cho dân chúng và là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn có đến 20-50% số ca chụp chiếu là không cần thiết hoặc được thực hiện chưa bảo đảm an toàn bức xạ, nói riêng có ba nước con số này là 80%. Việt Nam nằm ở đâu trong khoảng 20-50% hay cao hơn. Chúng ta chưa có số liệu về vấn đề này. Theo số liệu khảo sát của IAEA năm 2019 cho 15 nước với 2,5 triệu bệnh nhân thì có 1% chịu liều chiếu xạ trên 100 mSv. Nếu làm chẩn đoán CT 10 lần có thể chịu liều chiếu xạ đến 100 mSv. Một lần chụp CT phải chịu liều bằng 200 lần chụp X-quang phổi. Với liều chiếu xạ 100 mSv thì xác xuất bị ung thư sau đó sẽ là 0,5%. Một số con số thống kê sau đây để người đọc hiểu tường minh hơn.

– Số liệu của Mỹ: 1/3 số ca chụp chiếu ít có ý nghĩa cho mục đích y tế và khi chụp thì bác sỹ cũng chưa quan tâm đến vấn đề giảm liều chiếu bệnh nhân. Ít nhất 2% của tất cả các bệnh ung thư trong tương lai ở Mỹ, tức là khoảng 29.000 ca mắc mới và 15.000 người chết/năm là từ nguyên nhân riêng chiếu chụp CT.

– Số liệu của Úc: Điều tra 680.000 trẻ em chụp CT và 10 triệu trẻ em không chụp cho thống kê sau. Cứ 10.000 trẻ em chụp CT thì sẽ có 45 em mắc ung thư sau 10 năm so với con số 39 em bị mắc mà không có chụp CT. Về tổng thể thì những người chup CT sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 24% so với người không chụp và mỗi lần chụp bổ sung lại làm tăng sác xuất ung thư thêm 16%. Trẻ em trước 5 tuổi mà chụp CT thì sác xuất ung thư tăng hơn 35% so với người không có chiếu chụp.

– Số liệu của Anh: 1000 trẻ em chụp CT ổ bụng thì có 1 em bị phát ung thư. Trong số 180.000 trẻ em có làm các chiếu chụp liên quan đến CT thì sẽ có rủi ro cao là mắc ung thư bạch cầu và ung thư não.

– Một nghiên cứu khác năm 2013 cho kết quả trong số 1.250 người lớn (trên 45 tuổi) chụp CT toàn thân thì sẽ có 1 người bị chết về bệnh ung thư.

Nguyên nhân của chiếu chụp y tế không cần thiết và không bảo đảm an toàn

  • Lợi ích kinh tế: nhà đầu tư hoặc có lợi ích kinh tế từ thiết bị chẩn đoán
  • Lo sợ về khiếu kiện: Ở Mỹ 35% ca chụp là không cần thiết nhưng bác sỹ vẫn cho chụp vì sợ bị khiếu kiện về sau.
  • Cán bộ thiếu kinh nghiệm thực hiện không đảm bảo an toàn bức xạ và bảo đảm chất lượng chiếu chụp.
  • Bệnh nhân không được thông tin đầy đủ về rủi ro của bức xạ trước khi chụp chiếu để có quyết định nên hay không nên chiếu chụp.
  • Từ yêu cầu của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
  • Hệ thống quy định của pháp luật chưa đầy đủ.
  • Chưa có chương trình đào tạo chuẩn để cấp chứng chỉ hành nghề cho kỹ thuật viên chụp chiếu do một tổ chức có thẩm quyền cấp (ở Mỹ là American Registry of Radiologic Technologists).
  • Thiết bị chụp chiếu chưa được kiểm định và hiệu chuẩn phù hợp, đặc biệt chưa có chứng nhận chất lượng của tổ chức có thẩm quyền (như ở Mỹ là American College of Radiology).

Đây là vấn đề lớn nên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã có Tuyên bố chung tại Bohn năm 2013 với 10 hành động cụ thể để thực hiện tốt việc kiểm soát chiếu xạ y tế. Từ đó đến nay rất nhiều các hoạt động đã được thực hiện. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng ngoài cuộc.

Các nước phát triển 1-2 năm/lần điều tra liều chiếu xạ bệnh nhân, các nước đang phát triển thì đa số là 3-5 năm/lần để xem liều chiếu xạ của bệnh nhân có được bảo đảm không. Ở nước ta có 8 loại nguyên nhân nêu trên vẫn đang hiện hữu và chúng ta chưa hề có số liệu thống kế về liều chiếu xạ bệnh nhân ở phạm vi toàn quốc cũng như phạm vi các tỉnh thành trong cả nước để biết chúng ta đã quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn cho bệnh nhân đến mức độ nào.

Để giảm thiểu nguy cơ phải chịu ung thư thứ cấp khi chiếu chụp y tế trong khi chúng ta chưa có giải pháp tổng thể của quốc gia, mọi người cần quan tâm, tìm hiểu kỹ các vấn đề bảo đảm an toàn bức xạ cho mình và người thân khi bắt buộc phải chiếu chụp X quang

 Thông tin tổng hợp

Phan Văn Khởi – Phòng Đào tạo

Bài viết liên quan

error: Content is protected !!